My Cart

Close

Mụn Cám: Nguyên Nhân Và Cách Trị Mụn Cám Hiệu Quả Theo Phương Pháp Nhật Bản

Share    



VỀ TÁC GIẢ

Dr. Chau là tiến sĩ khoa học, chuyên gia nghiên cứu mỹ phẩm, nhà giáo dục & viết sách tại Nhật & Mỹ. Cô trải qua hơn 20 năm sinh sống và hiện đang làm công việc nghiên cứu phát minh mỹ phẩm mới cho các tập đoàn hàng đầu tại nội địa Nhật Bản & Hoa Kỳ. Với niềm đam mê dành cho mỹ phẩm, Dr. Chau mong muốn truyền đạt những kiến thức mỹ phẩm đúng đắn và khoa học đến với cộng đồng, và chia sẻ bí quyết trở thành người tiêu dùng thông thái cho phụ nữ khắp nơi trên thế giới.

Đăng kí email tại đây để Dr. Chau gửi cho bạn các bài viết mới nhất!



MỤN CÁM là một loại “Mụn đặc biệt”, thường xuất hiện số đông, lấm tấm như cám, nên ở Việt Nam chúng ta hay gọi là “MỤN CÁM”. Tuy nhiên, trong ngành skincare tại Nhật, Mụn Cám chưa được gọi là MỤN. Nó chỉ được gọi là TÌNH TRẠNG NGHẸT LỖ CHÂN LÔNG mà thôi, tức mới chỉ là khởi nguồn của tất cả các loại mụn. Nói như vậy để các bạn hãy phân biệt rõ “Mụn Cám” rất khác với 6 loại MỤN (thật sự) mà Châu đã đề cập tại bài “Check Ngay: Bạn Bị Loại Mụn Gì ?” nhé. Ở bài viết này, để cho các bạn quen theo cách gọi tại Việt Nam, Châu vẫn sẽ gọi TÌNH TRẠNG NGHẸT LỖ CHÂN LÔNG này là MỤN CÁM nhé.  Nếu bạn chưa biết cách phân biệt Mụn Cám, hãy đọc bài Cách Phân Biệt 9 Loại Mụn Phổ Biến này trước, Mụn Cám là loại mụn số 8 được nhắc đến trong bài. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về Mụn Cám và cách chữa trị nó theo góc độ khoa học.

 

1.MỤN CÁM LÀ GÌ ?

Định nghĩa vê Mụn Cám đã nêu ở trên rồi, giờ Châu tóm tắt lại các đặc điểm tiêu biểu của Mụn Cám:
-Là loại “mụn” không viêm, có thể xử lý tại gia được.
-Vùng da bị mụn cám thường không có biểu hiện đổi màu hay sưng tấy, nhưng sờ sần sùi, không láng mịn và rin rít da, gây mất thẩm mỹ. Các vùng da dễ xuất hiện nhất là mũi, cằm…

 

2. NGUYÊN NHÂN & CƠ CHẾ HÌNH THÀNH MỤN CÁM

Hẳn rất nhiều bạn nghĩ rằng mụn cám chính là dầu nhờn của da tích tụ mà thành, vì vùng da bị mụn cám thường sờ ram rám, rin rít, và khi nặn sẽ ra một khối nhỏ nhờn nhờn. Tuy nhiên, đây là một sai lầm lớn đấy nhé. Vì 70% cấu tạo của mụn cám chính là… da chết bị nghẹt trong lỗ chân lông mà thành (tức là thành phần protein), và 30% còn lại mới là dầu nhờn & cặn bẩn.

Có khi nào bạn thắc mắc tại sao mình vẫn sử dụng tẩy trang hay sửa rửa mặt mỗi ngày một cách sạch sẽ đều đặn, mà mụn cám vẫn cứ còn không? Lý do của điều này bắt nguồn từ việc bạn chưa hiểu đúng về cấu tạo của Mụn Cám (mà cho rằng nó là bã nhờn bị nghẹt) như Châu vừa nói trên. Có thể hình dung nôm na thế này: tẩy trang và rửa mặt thông thường chỉ hòa tan và làm sạch dầu nhờn & cặn bẩn (phần chiếm 30%), còn 70% kia của Mụn Cám là cấu tạo từ protein lại đang bị nghẹt thì chưa được làm sạch hoàn toàn. Đối với protein, chúng ta cần những động thái mạnh mẽ hơn như dùng sản phẩm tẩy da chết chuyên dụng để xử lý.

 

CỨ ĐỂ NGUYÊN DA CHẾT BỊ NGHẸT (MỤN CÁM) MÀ KHÔNG XỬ LÝ THÌ SAO ?

Dĩ nhiên là sẽ kéo theo nhiều phiền toái rồi.
-Lỗ chân lông ngày càng nở to (điều này cho thấy vì sao khi chúng ta càng lớn tuổi thì lỗ chân lông càng nở to, đó là vì da có khuynh hướng khô và lão hóa nên da chết cũng dễ hình thành và dễ nghẹt hơn)
-Mụn cám bị oxi hóa sinh ra những chấm đen đen rất mất thẩm mỹ trên mũi nữa (cái mà thỉnh thoảng chúng ta hay gọi là “mụn đầu đen” đó – thật ra, cái này trong tiếng Nhật gọi là Kurozumi thôi, tạm gọi là Lắng Đọng Sắc Tố Đen - khi bạn nặn ra thì đầu của nó màu đen nhưng phần bên dưới vẫn là mụn cám). Mụn cám này nếu bị nghẹt lâu sinh ra nhân mụn phong tỏa, và biến thành cái mà chúng ta gọi là Mụn Đầu Trắng (đây mới là MỤN thật sự, và có thể phát triển xấu đi theo các bước: Đầu Trắng => Đầu Đen => Viêm Đỏ => Mụn Mủ (Viêm Vàng) như Châu đã đề cập tại bài “Check Ngay: Bạn Bị Loại Mụn Gì?” ). Kết quả cuối cùng là chúng ta có thể bị mụn viêm , rồi dẫn đến thâm, sẹo...

 

3. CÁCH TRỊ MỤN CÁM

DA CHẾT
DẦU NHỜN
CẶN BẨN BỊ NGHẸT

Từ những điều trên, chúng ta đều thấy rằng để loại trừ Mụn Cám, cần loại trừ sạch sẽ 3 yếu tố này. Và đây là cách thức cụ thể cho các bạn để xử lý 3 điều này nhé.

 

1) NẶN MỤN CÁM

-Mụn cám không viêm, nên cách nhanh nhất để loại trừ là các bạn nặn lấy phần cặn bẩn bị nghẹt trong lỗ chân lông đi là được. Chỉ có lưu ý là, chúng ta không nên dùng móng tay để nặn vì chắc chắn sẽ làm tổn thương da, nên dùng cây năn mụn đã khử trùng để tiến hành nhé. Trước khi nặn mụn cám chúng ta nên làm mềm da và mở rộng lỗ chân lông thì sẽ dễ dàng để nặn hơn. Các bạn có thể dùng khăn ấm chườm trực tiếp lên vùng da bị mụn cám, hoặc xông hơi mặt (cách này thì giúp mở lỗ chân lông & giúp giải stress luôn).
-Sau khi nặn mụn cám xong, thì nhớ làm dịu vùng da vừa nặn bằng các sản phẩm có thành phần CHỐNG VIÊM DA, nếu có cả chức năng SE LỖ CHÂN LÔNG thì càng tốt. Và nhớ đừng quên DƯỠNG ẨM nhé. Nếu bạn cần sản phẩm hội cả 3 chức năng này thì tham khảo các sản phẩm này xem nhé.

 

2) TẨY TRANG & RỬA MẶT SACH SẼ.

Ngoài việc nặn mụn, tức là loại trừ mụn cám đã hình thành, chúng ta cần tiến hành song song với việc ngăn ngừa mụn cám mới. Do đó, duy trì việc tẩy trang và rửa mặt sạch sẽ đúng cách mỗi ngày bằng các sản phẩm rửa mặt lành tính không bào mòn và tồn thương da, sẽ giúp chúng ta loại trừ được BÃ NHỜN, CẶN BẨN (ví dụ như mỹ phẩm trang điểm đóng trong lỗ chân lông) và một phần TẾ BÀO CHẾT.
Nếu bạn còn đắn đo về phương pháp tẩy trang & rửa mặt của mình, hãy đọc thêm tại bài “Bạn Có Sai Lầm Khi Rửa Mặt & Tẩy Trang?” nhé.

 

3) TẨY DA CHẾT

Nếu biết rằng đến 70% cấu tạo của Mụn Cám là da chết bị nghẽn trong lỗ chân lông, thì bạn hiểu được vấn đề tẩy da chết quan trọng đến thế nào rồi đúng không.

Đây là những điều nên làm khi Tẩy Da Chết cho da Mụn Cám:
-Ngoài việc sử dụng sản phẩm tẩy da chết cho toàn face, các bạn nên TẨY DA CHẾT TẬP TRUNG cho vùng da bị mụn cám (mũi, cằm…) bằng các sản phẩm tẩy da chết có độ mạnh tương đối cao hơn một chút, tuần 1-2 lần.
-Tương tự khi nặn mụn, trước khi tẩy tế bào chết chúng ta nên làm mềm da và mở rộng lỗ chân lông thì sẽ dễ dàng làm sạch sâu hơn bên trong lỗ chân lông. Dùng khăn ấm chườm trực tiếp lên vùng da bị mụn cám, hoặc xông hơi tinh dầu nhé.
-Có thể kết hợp với các dụng cụ hỗ trợ tẩy tế bào chết để làm sạch sâu bên trong chân lông, ví dụ như bàn chải massage và tẩy da chết. Tuy nhiên lưu ý là phải chọn dụng cụ thích hợp và mềm mại, nếu không có thể gây tổn thương da.
-Và cuối cùng, điều vô cùng quan trọng mà các bạn đừng quên sau khi tẩy da chết , đó là nhớ DƯỠNG ẨM, DƯỠNG ẨM & DƯỠNG ẨM đầy đủ nhé.

 

4) KIỀM NHỜN & SE LỖ CHÂN LÔNG

Sử dụng mỹ phẩm dưỡng da và cả trang điểm có thành phần kiềm nhờn sẽ giúp ích cho bạn trong việc ngăn ngừa mụn cám (cũng như cả mụn đầu đen), vì như trên đã đề cập, chất nhờn là một trong những thành phần cấu tạo nên mụn cám. Mỹ phẩm này thường chứa các thành phần như: AHA, Artichoke, BHA, Bùn khoáng, Citrus, Yuzu, Witch hazel. Peppermint, Rose extract, Tea Tree, Than hoạt tính... Bạn có thể tìm thấy các sản phẩm này tại đây.

Ngoài ra, giấy kiềm dầu chứa tinh chất aroma ngừa mụn kiềm nhờn cũng là một công cụ rất tiện lợi cho bạn kiềm dầu & ngừa mụn mọi lúc mọi nơi trong ngày. Không chỉ tốt cho mụn cám mà còn cho tất cả các loại mụn khác.

 

Cuối cùng, như Châu đã đề cập từ đầu, MỤN CÁM thực sự chưa phải là MỤN, mà mới là sự nghẹt lỗ chân lông, nhưng nó cũng là ngọn nguồn của mọi loại MỤN và hoàn toàn có thể phát triển thành các loại mụn xấu và nặng hơn sau này. Vì vậy chúng ta hãy thường xuyên để mắt đến vấn đề Mụn Cám nhé. Kiên trì & chăm chỉ trong việc chăm sóc da để loại trừ Mụn Cám cũng chính là đang hướng tới một làn da mịn màng, khỏe đẹp. Chúc các bạn luôn xinh đẹp !

by Dr. Chau - Japan, US

 

Share