Làm Gì Khi Bị Dị Ứng & Kích Ứng Với Mỹ Phẩm?
ShareNội dung này được viết hoặc đã qua thẩm định bởi chuyên gia khoa học, và đăng tải độc quyền tại Mỹ Phẩm Hữu Cơ DR.HC ORGANICS. Vi phạm bản quyền sẽ bị xử lý theo pháp luật.
VỀ TÁC GIẢ
Dr. Chau là tiến sĩ khoa học, chuyên gia nghiên cứu mỹ phẩm, nhà giáo dục & viết sách tại Nhật & Mỹ. Cô trải qua hơn 20 năm sinh sống và hiện đang làm công việc nghiên cứu phát minh mỹ phẩm mới cho các tập đoàn hàng đầu tại nội địa Nhật Bản & Hoa Kỳ. Với niềm đam mê dành cho mỹ phẩm, Dr. Chau mong muốn truyền đạt những kiến thức mỹ phẩm đúng đắn và khoa học đến với cộng đồng, và chia sẻ bí quyết trở thành người tiêu dùng thông thái cho phụ nữ khắp nơi trên thế giới.
Đăng kí email tại đây để Dr. Chau gửi cho bạn các bài viết mới nhất!
Trong "cuộc đời dùng mỹ phẩm & làm đẹp" của mình, hẳn bạn từng trải qua vấn đề dùng sản phẩm không hợp, dẫn đến da bị kích ứng/ dị ứng? Chủ đề này tưởng quen thuộc, nhưng hẳn rất nhiều bạn vẫn chưa rõ cặn kẽ: "DA BỊ KÍCH ỨNG" và "DỊ ỨNG" mỹ phẩm khác nhau ở điểm nào ? Và khi bị, nên xử trí ra sao? Bài chia sẻ này được viết từ kinh nghiệm nghiên cứu của Dr. C cùng sự tham vấn từ một số doctors da liễu tại New York.
P/s: bài viết này xin chỉ đề cập đến vấn đề kích ứng/ dị ứng do dùng mỹ phẩm của hãng uy tín, mỹ phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ... Không đề cập đến kích ứng/ dị ứng do dùng "kem trộn" hoặc mỹ phẩm chứa thành phần độc hại (vì nguyên nhân của nó đã quá rõ ràng).
VÌ SAO "DA BỊ KÍCH ỨNG" HOẶC "DỊ ỨNG" VỚI MỸ PHẨM ?
Cả 2 đều là "da không hợp mỹ phẩm". Tuy nhiên, người tiêu dùng thường không phân biệt 2 cụm từ này, mặc dù ý nghĩa và nguyên nhân bắt nguồn của "Dị Ứng" & "Da Bị Kích Ứng" là không hề giống nhau.
-"DA BỊ KÍCH ỨNG":
Thường là do mỹ phẩm có chứa (các) thành phần gây kích ứng da. Thành phần gây kích ứng da này có thể là:
- Các thành phần hóa học vốn bản chất dễ gây kích ứng, ví dụ như chất bảo quản, hương liệu hóa học, dầu khoáng, alcohol, chất tẩy rửa tổng hợp, v.v...
- Các thành phần hữu hiệu mạnh (ví dụ như thành phần trị mụn, sát khuẩn, tẩy da chết ...). Đây không phải các thành phần độc hại nhưng có thể hoạt động quá mạnh trên da một số người, nên gây cảm giác kích ứng.
Ngoài ra, cũng có lý do khác có thể khiến da bị kích ứng nhưng không phải do lọ mỹ phẩm đang sử dụng mà do cơ địa của người sử dụng, thường xảy ra với các trường hợp như:
- Người chưa từng sử dụng mỹ phẩm
- Người không thường xuyên sử dụng sử dụng mỹ phẩm, và lâu lâu mới sử dụng
- Sử dụng 1 lọai mỹ phẩm mới lần đầu, da cần thời gian để thích ứng
- Cơ địa người sử dụng đang trong tình trạng mẫn cảm nhất thời (vd: đang có kinh nguyệt, đang sử dụng thuốc, v.v...), nên bị kích ứng nhất thời khi dùng mỹ phẩm v.v...
- Da khô thiếu nước dễ bị kích ứng hơn da đầy đủ độ ẩm
-"DỊ ỨNG MỸ PHẨM" :
Lại có nguyên nhân hoàn toàn khác. Nếu như "da bị kích ứng" là do các thành phần "tiêu cực" trong sản phẩm gây ra, thì "dị ứng" mỹ phẩm lại vẫn có thể xảy ra đối với người sử dụng những món mỹ phẩm lành tính nhất. Ví dụ dễ hiểu nhất là có rất nhiều người trên thế giới bị dị ứng với cả những món ăn bình thường nhất như thịt, cá, trứng, sữa, glutein... dù đây là những món đại đa số mọi người trên thế giới đưa vào miệng mỗi ngày. Làn da cũng như vậy.
Vì vậy, nguyên nhân chủ yếu của "Dị Ứng Mỹ Phẩm" là do cơ địa không thể thích ứng với một thành phần nào đó trong sản phẩm, dù đó có thể là thành phần thiên nhiên. Chính vì thế, dị ứng mỹ phẩm có thể
- Liên quan đến gene (trong khi "kích ứng da do mỹ phẩm" thì không liên quan đến gene)
- Có khả năng di truyền (trong khi "kích ứng da do mỹ phẩm" thì không di truyền)
Tuy nhiên, vấn đề là bạn thường không thể biết mình bị dị ứng với thành phần nào, vì mỹ phẩm là một hỗn hợp rất nhiều thành phần. Và cũng rất nhiều người không biết mình có cơ địa dị ứng với một thành phần nào đó, cho đến khi họ bị dị ứng lần đầu. Trong trường hợp nghĩ mình bị dị ứng, bạn cần đến bác sĩ. Phải qua nhiều khâu kiểm tra chi tiết, bác sĩ mới có thể giúp xác định cơ địa bạn dị ứng với thành phần nào, và đưa ra hướng xử lý thích hợp.
LÀM GÌ NẾU DỊ ỨNG/ KÍCH ỨNG DA KHI DÙNG MỸ PHẨM ?
Điều sai lầm nhất của nhiều người là mặc dù da biểu hiện tình trạng ngày càng tồi tệ nhưng vẫn tiếp tục sử dụng sản phẩm với suy nghĩ "sản phẩm đang phát huy hiệu quả", hoặc nghĩ "thuốc đắng dã tật", "đau mới có tác dụng". Có thể điều này đúng với thuốc trị bệnh, NHƯNG KHÔNG ĐÚNG VỚI MỸ PHẨM.
Thêm sai lầm khác nữa, đó là: khi da vừa bị kích ứng/ dị ứng, thay vì rũ bỏ tất cả để da trở lại nguyên trạng ban đầu, hoặc chờ khi da ổn định mới sử dụng lại, họ lại tự đi tìm một thứ khác thoa lên với hy vọng "dập tắt đám cháy". Tuy nhiên, điều này thường kém hiệu quả, và không ít trường hợp khiến tình trạng tồi tệ hơn.
Xử lý tốt nhất khi bạn nhận thấy da bị kích ứng/ dị ứng khi dùng mỹ phẩm, đó là:
- Ngay lập tức ngừng sử dụng cho dù đó là sản phẩm gì đi nữa
- Rửa mặt sạch bằng nước lạnh cho trôi hết sản phẩm vừa thoa
- Nếu thấy da mặt vẫn nóng bừng hoặc có dấu hiệu sưng, có thể cho đá lạnh vào vải mềm để chườm lạnh.
Thông thường, sau khi xử trí như trên
- Nếu là do bạn bị KÍCH ỨNG mỹ phẩm: Da sẽ dịu ngay và tự hồi phục, có thể ngay lập tức hoặc ngày hôm sau. Da không bị tổn thương gì, và cơ bản cũng không cần thăm hỏi bác sĩ.
- Còn nếu là do bạn bị DỊ ỨNG mỹ phẩm: Có thể bạn thấy dịu đi nhưng không thấy dứt hẳn, có thể vẫn còn cảm giác châm chích, ngứa... (tùy thuộc sản phẩm đã thẩm thấu vào da đến mức nào, và mức độ dị ứng cơ địa của bạn với thành phần đó nhiều đến như thế nào). Trong trường hợp nghĩ mình bị dị ứng, bạn cần đến bác sĩ. Phải qua nhiều khâu kiểm tra chi tiết, bác sĩ mới có thể giúp xác định cơ địa bạn dị ứng với thành phần nào, và đưa ra hướng xử lý thích hợp.
CÓ THỂ TIẾP TỤC DÙNG MỸ PHẨM SAU KHI BỊ KÍCH ỨNG/ DỊ ỨNG ?
NẾU BẠN BỊ KÍCH ỨNG DO MỸ PHẨM ?
Vẫn tiếp tục dùng mỹ phẩm được (dĩ nhiên, cần chọn một loại khác). Vì da bạn khi này là DA NHẠY CẢM.
Có người DA NHẠY CẢM do BẨM SINH, da mỏng và yếu. Cũng có người da nhạy cảm nhưng KHÔNG DO BẨM SINH, mà do da đã TIẾP XÚC VỚI QUÁ NHIỀU HÓA CHẤT MẠNH, dẫn đến phá hỏng cấu trúc da (mắt thường không nhìn thấy), mất khả năng tự bảo vệ. Cho dù bạn là da nhạy cảm bẩm sinh hay không bẩm sinh, mỹ phẩm để bạn chọn dùng hãy là các loại mỹ phẩm thiên nhiên & phi hóa chất - phi phụ gia, vì đây là các loại mỹ phẩm giảm thiểu tối đa nguy cơ gây kích ứng cho da bạn.
Tuy nhiên, như trên có đề cập, khi xảy ra kích ứng da, có thể là do mỹ phẩm, cũng có thể là do cơ địa đang trong tình trạng chưa bình ổn. Nếu là do cơ địa, thì mỹ phẩm lành tính cũng có thể gây kích ứng tạm thời. Bạn có thể ngưng một thời gian và thử dùng lại sản phẩm đó trong một vài lần khác và chờ xem phản ứng. Tình trạng có thể được cải thiện ngay trong lần sử dụng sau, hoặc sau vài lần sử dụng (thường có dấu hiệu cải thiện từ từ). Hãy đảm bảo bạn cung cấp đầy đủ độ ẩm cho da, vì da khô thiếu nước dễ bị kích ứng khi sử dụng mỹ phẩm cả dưỡng da lẫn makeup.
NẾU BẠN BỊ DỊ ỨNG MỸ PHẨM ?
Vẫn tiếp tục dùng mỹ phẩm được. Vì dĩ nhiên, không có chuyện bạn bị dị ứng với TẤT CẢ các thành phần trong lọ mỹ phẩm ! Vì vậy, sau khi xác nhận được cơ địa mình dị ứng với thành phần nào, điều duy nhất bạn có thể làm đó là: KHI MUA MỸ PHẨM, TRÁNH CÁC LOẠI CHỨA THÀNH PHẦN ĐÓ.
Ví dụ, bạn biết mình dị ứng với mật ong, thì chọn mỹ phẩm không chứa thành phần "honey".
LƯU Ý QUAN TRỌNG: tôi từng tiếp xúc với không ít bạn nhầm lẫn giữa "BỊ KÍCH ỨNG MỸ PHẨM" và "CƠ ĐỊA DỊ ỨNG VỚI MỸ PHẨM". Bạn sử dụng một lọ mỹ phẩm công nghiệp với nhiều thành phần dễ gây KÍCH ỨNG (như liệt kê ở đầu bài), tuy nhiên người bán hàng lại nói rằng bạn bị DỊ ỨNG với ... vitamin C (do lọ sản phẩm có chứa vitamin C), và từ đó, bạn không dám dùng vitamin C nữa. Điều này thật sai lầm. Xin nhấn mạnh lại: ĐỂ XÁC ĐỊNH XEM CƠ ĐỊA CỦA MÌNH CÓ THỰC SỰ DỊ ỨNG VỚI MỘT THÀNH PHẦN NÀO ĐÓ HAY KHÔNG, BẠN CẦN ĐI KHÁM BÁC SĨ & TRẢI QUA NHỮNG BÀI TEST PHỨC TẠP TRƯỚC KHI BÁC SĨ CÓ THỂ ĐƯA RA KẾT LUẬN. Đừng nhầm lẫn giữa việc CƠ ĐỊA DỊ ỨNG VỚI THÀNH PHẦN MỸ PHẨM NÀO ĐÓ với việc bạn bị KÍCH ỨNG DA do lọ mỹ phẩm đã sử dụng chứa nhiều thành phần dễ gây kích ứng.
Chúc các bạn có làn da khỏe - đẹp !
by Dr.Chau
Comments
0 Comments
XEM CÁC BÀI KHÁC THEO CHỦ ĐỀ
BÍ QUYẾT CHỐNG LÃO HÓA - BÍ QUYẾT CHỐNG NẮNG - BÍ QUYẾT KIỀM NHỜN - BÍ QUYẾT RỬA MẶT - BÍ QUYẾT TRẮNG DA - BÍ QUYẾT TRỊ MỤN, THÂM, SẸO - CHĂM SÓC MẸ BẦU - CHĂM SÓC BABY - KIẾN THỨC LOẠI DA - KIẾN THỨC MỸ PHẨM - REVIEW MỸ PHẨM - CHĂM SÓC DA MẶT & MAKEUP - CHĂM SÓC TÓC & BODY - CHĂM SÓC SỨC KHỎE - THÀNH PHẦN MỸ PHẨM HIỆU QUẢ - THÀNH PHẦN MỸ PHẨM GÂY HẠI - TIN TỨC & TẢN MẠN