NỘI DUNG GIỎ HÀNG

Đóng

📸 Cách Phân Biệt 9 Loại Mụn (Loại Da Mụn) Phổ Biến (Kèm Ảnh Minh Họa Chi Tiết)

CHIA SẺ BÀI VIẾT NÀY    



VỀ TÁC GIẢ

Dr. Chau là tiến sĩ khoa học, chuyên gia nghiên cứu mỹ phẩm, nhà giáo dục & viết sách tại Nhật & Mỹ. Cô trải qua hơn 20 năm sinh sống và hiện đang làm công việc nghiên cứu phát minh mỹ phẩm mới cho các tập đoàn hàng đầu tại nội địa Nhật Bản & Hoa Kỳ. Với niềm đam mê dành cho mỹ phẩm, Dr. Chau mong muốn truyền đạt những kiến thức mỹ phẩm đúng đắn và khoa học đến với cộng đồng, và chia sẻ bí quyết trở thành người tiêu dùng thông thái cho phụ nữ khắp nơi trên thế giới.

Đăng kí email tại đây để Dr. Chau gửi cho bạn các bài viết mới nhất!



Bạn đang đau khổ về vấn đề mụn, và muốn tìm cách chữa trị chúng ngay lập tức? Để trị mụn, điều tối quan trọng đầu tiên là bạn cần biết mình bị loại mụn gì, vì không phải các loại mụn đều có cách điều trị giống nhau. Xác định sai loại mụn sẽ chữa trị sai hướng và kém hiệu quả, tệ hơn, có thể khiến cho mụn càng tiến triển nặng hơn. Trong bài này, hãy cùng Dr. Chau tìm hiểu về 9 loại mụn phổ biến nhất, bao gồm:  

  • Cách nhận biết 9 loại mụn cơ bản.
  • Nguyên nhân hình thành từng loại mụn.
  • Những lưu ý về chăm sóc da ứng với từng loại mụn.

Chúng ta sẽ tìm hiểu 9 loại mụn phổ biến, gồm:
- 6 loại mụn trứng cá (gọi văn tắt là "mụn") (từ 1 đến 6 bên dưới, bao gồm 1/ Mụn đầu trắng, 2/ Mụn đầu đen, 3/ Mụn viêm đỏ (mụn sần), 4/ Mụn viêm vàng (mụn mủ), 5/ Mụn bọc, 6/ Mụn u nang): đều nhìn thấy có Nhân Mụn. Dầu nhờn bài tiết nhiều quá mức, nhưng bị nghẽn lại ở lỗ chân lông gây bí da, sau đó bị oxi hóa và cứng lại, trở thành Nhân Mụn. Nhân Mụn này giống như một cái nắp đậy lỗ chân lông, làm cho lỗ chân lông càng bí hơn, và mụn ngày càng phát triển nặng. Do đó, mụn trứng cá trải qua các bước tiến triển nhất định (sẽ trình bày bên dưới), và mấu chốt là : loại trừ Nhân Mụn thì tình trạng mụn sẽ cải thiện.
-Và 3 loại mụn đặc biệt (bao gồm 7/ Mụn ẩn, 8/ Mụn cám, và 9/ Mụn thịt), đó là: Mụn Ẩn, Mụn Cám & Mụn Thịt. Đây là các loại mụn Không Nhìn Thấy Nhân Mụn (Mụn Ẩn), hoặc Không Có Nhân Mụn hay nói cho chính xác là chưa phát triển thành mụn (Mụn Cám), hoặc đơn giản, nó không thực sự là "mụn"/ không giống cơ chế của các loại mụn bình thường nhưng theo cách gọi trong tiếng Việt thì lại là "mụn" (Mụn Thịt).


1.MỤN ĐẦU TRẮNG (WHITEHEAD)

LÀ GÌ ?
-Là thời kì đầu tiên của mụn.
-Ở thời kì này thì màu sắc xung quanh mụn vẫn bình thường, mụn hơi nhô lên bề mặt da ,dùng ngón tay chạm vào thì có cảm giác hơi cứng. Khi ấn thì sẽ có chất cứng màu trắng hoặc màu vàng, hoặc nặn ra có khối cứng nhỏ hoặc chất dịch hơi nhờn dính. Những nốt nhỏ có màu trắng chưa nhô hẳn lên bề mặt mà vẫn nằm trong lỗ chân lông này được gọi là mụn đầu trắng. Tình trạng này kéo dài thì các mụn đầu trắng này sẽ phát triển, thoát khỏi lỗ chân lông và nhô ra ngoài.

CƠ CHẾ HÌNH THÀNH:
-Do ảnh hưởng của các yếu tố như nội tiết hoặc ngoại cảnh mà lỗ chân lông của da bị bí bít, hoặc chất sừng của da bị cứng lại cũng làm cho lỗ chân lông trở lên hẹp hơn. Khi đó, các chất nhờn trong lỗ chân lông, hoặc da chết, đáng lẽ ra phải được đào thải ra ngoài thì lại bị tích tụ lại, gây bí bít lỗ chân lông, dần dần tạo thành mụn đầu trắng.

LƯU Ý CHĂM SÓC DA: Mụn đầu trắng là loại mụn vẫn chưa xảy ra tình trạng viêm nhiễm, tức là có thể tiến hành nặn mụn được. Ở giai đoạn này nếu biết cách xử lý thì sẽ không để lại sẹo và có cũng có thể khỏi.


2.MỤN ĐẦU ĐEN (BLACKHEAD)

LÀ GÌ ?
-Là thời kì thứ hai của mụn, là bước phát triển thêm một bậc của mụn đầu trắng.
-Khi này chúng ta thấy rõ đầu mụn nhú ra khỏi bề mặt da, và các nốt mụn là những chấm đen đặc trưng, rất dễ nhận biết.

CƠ CHẾ HÌNH THÀNH:
-Các bã nhờn và da chết bị tích tụ ở lỗ chân lông gây ra mụn đầu trắng. Khi các mụn đầu trắng phát triển, thoát khỏi lỗ chân lông và nhô ra ngoài, bị dính các bụi bẩn hay bị oxy hóa, đầu mụn sẽ chuyển thành màu đen, và trở thành mụn đầu đen.

LƯU Ý CHĂM SÓC DA:  Mụn đầu đen cũng là loại mụn chưa xảy ra tình trạng viêm nhiễm, tức là có thể tiến hành nặn mụn được. Ở giai đoạn này nếu biết cách trị mụn thì sẽ không để lại sẹo và có cũng có thể khỏi, còn không thì ngược lại cũng sẽ làm cho tình trạng trở lên xấu hơn.

 

XEM BÀI HƯỚNG DẪN NÀY QUA VIDEO:

 


3.MỤN VIÊM ĐỎ (PAPULE) (Tên khác: MỤN SẦN, MỤN ĐỎ)

LÀ GÌ ?
-Là bước phát triển bậc 3 của mụn, nghiêm trọng hơn mụn đầu trắng và mụn đầu đen. Mụn đầu trắng và mụn đầu đen nếu cứ để nguyên như vậy, hoặc xử lý không đúng cách, không giữ vệ sinh… sẽ xảy ra tình trạng viêm nhiễm, dễ dàng dẫn đến mụn viêm đỏ, còn gọi là mụn sần, hay mụn đỏ.
-Ở giai đoạn này, trên bề mặt da có thể nhìn rõ triệu chứng viêm. Kích cỡ nốt mụn to hơn mụn đầu trắng, và xung quanh nốt mụn ửng đỏ. Nếu bị nhiều mụn thì cả vùng da nhìn ửng đỏ. Ngoài ra, nếu nhấn vào mụn viêm đỏ sẽ thấy nhức.

CƠ CHẾ HÌNH THÀNH:
-Chất bã nhờn tích tụ ở lỗ chân lông sẽ trở thành nguồn dinh dưỡng cho vi khuẩn Acne (mà trong các sản phẩm Châu thường gọi là “vi khuẩn mụn”) phát triển mạnh mẽ. Vì vậy dẫn đến tình trạng viêm nhiễm.
-Vi khuẩn Acne này luôn tồn tại sẵn trong lỗ chân lông nên từ tuổi dậy thì trở đi gần như 100% trong da của mọi người đều tồn tại vi khuẩn Acne. Đây là một loại vi khuẩn có tính hiếm khí, không thể sống ở những nơi có không khí, mà phải ẩn nấp, cư trú ở những nơi bí khí như lỗ chân lông. Bình thường thì vi khuẩn ACNE có vai trò giữ độ cân bằng của da, nên rất cần thiết đối với da và không hẳn là vi khuẩn gây hại, nhưng khi chúng phát triển quá mức sẽ gây ra tình trạng mụn viêm nhiễm.

LƯU Ý CHĂM SÓC DA: Khi triệu chứng viêm xảy ra thì sau khi khỏi mụn có thể để lại thâm mụn hoặc sẹo mụn, vì vậy việc nhanh chóng ngăn chặn triệu chứng viêm là rất quan trọng .
-Vì là loại mụn đã bị viêm, nên đến giai đoạn này thì cần phải điều trị bằng các loại mỹ phẩm có thành phần kháng sinh và tiêu diệt khuẩn mụn. Vì vậy các bạn đừng nên dùng ngón tay để sờ vào mụn nhé. Và tuyệt đối đừng nặn mụn.


4.MỤN MỦ (PUSTULE) (Tên khác: MỤN VIÊM VÀNG)

LÀ GÌ ?
-Là mụn viêm đỏ/ mụn sần ở trên bị viêm nặng hơn và hình thành mủ bên trong.

-Cách nhận biết Mụn mủ đó là, xung quanh mụn cũng bị ửng đỏ như bước 3 mụn đỏ, tuy nhiên, chính giữa có nhìn thấy nhân mủ màu trắng hoặc hơi vàng. Các bạn cũng đừng nhầm lẫn Mụn Mủ này với Mụn Đầu Trắng bước 1 nhé, vì mụn đầu trắng tuy cũng có nhân mụn trắng ở giữa, nhưng xung quanh không đỏ. Ngoài ra, mụn đầu trắng nhấn vào không nhức,còn Mụn mủ nhấn vào thấy nhức. 

CƠ CHẾ HÌNH THÀNH:
-Do mụn viêm đỏ bị viêm nặng hơn và hình thành mủ bên trong, nguyên nhân thường bởi chúng ta đã không ngăn chặn tình trạng viêm lúc còn nhẹ, hoặc đã xử lý mụn không đúng cách.

LƯU Ý CHĂM SÓC DA:  Mụn mủ/ mụn viêm vàng không phải một loại mụn thông thường mà được coi là một loại bệnh giống như các bệnh ngoài da khác, vì đã có sự tấn công rất mjanh mẽ của vi khuẩn gây mụn. Khi đã đến giai đoạn này thì sau khi khỏi mụn khả năng cao là sẽ để lại vết thâm mụn đậm hơn so với mụn viêm đỏ, và khả năng có thể để lại sẹo lõm là cao.Vì vậy chúng ta nên điều trị ở giai đoạn càng sớm càng tốt, bằng việc bắt đầu chăm sóc da ở các giai đoạn sớm trước khi mụn bị viêm, như vậy sẽ giúp làm giảm các tổn thương cho da, và giảm thiểu các kinh phí điều trị. Và nên nhớ, với Mụn Mủ, tuyệt đối đừng nên dùng ngón tay để nặn mụn hay sờ vào mụn bừa bãi nhé.


5.MỤN BỌC (CYST, CYSTIC ACNE)

LÀ GÌ ?
-Là loại mụn viêm, bước phát triển thứ 5, cao hơn của mụn mủ/ mụn viêm vàng. Mụn bọc là tình trạng bệnh da nghiêm trọng, khi đó các bọc chất mủ đã hình thành sâu dưới da, các bọc này là hỗn hợp gồm vi khuẩn, dầu nhờn, tế bào chết bị nghẹt trong lỗ chân lông. Mặc dù ai cũng có thể bị mụn bọc, nhưng mụn bọc có khuynh hướng phát triển mạnh ở người da dầu hơn. Mụn bọc thường xuất hiện ở mặt nhưng cũng có khi xuất hiện ở cổ, ngực, lưng...
-Cách nhận biết mụn bọc đó là: Mụn bọc có nhân chìm rất sâu dưới bề mặt da, và từ ngoài nhìn vào mụn bọc sưng to và có kích thước rất lớn, đường kính tầm trên dưới 1cm, có thể nói là kích thước lớn nhất trong các loại mụn. Mụn bọc trông giống như một túi mủ màu trắng với vùng da xung quanh thường ửng đỏ. Khi sờ vào thấy mềm mềm nhưng gây đau nhức khó chịu. 

CƠ CHẾ HÌNH THÀNH:
-Do mụn viêm đỏ & viêm vàng (mụn mủ) không được điều trị kịp thời, vi khuẩn lan rộng khiến cho vùng viêm nhiễm ăn sâu vào lớp da bên trong và lan rộng ra các vùng da xung quanh. Khi này, như một phản ứng tự nhiên của cơ thể, hệ miễn dịch sẽ "đáp trả" bằng việc sản sinh ra mủ (pus), khiến hình thành các túi mủ viêm nhiễm to. Do mụn bọc đã ăn sâu vào làm tổn thương lớp da bên dưới, nên sau khi lấy nhân mụn thì khả năng để lại sẹo lõm rất cao.

LƯU Ý CHĂM SÓC DA:  Ngoài việc chữa trị bằng mỹ phẩm ngoài da, có thể bạn cần thăm khám bác sĩ để uống thuốc điều trị, tăng sức đề kháng, chống lại sự viêm nhiễm đang lan rộng. 


6.MỤN U NANG (NODULE)

LÀ GÌ ?
-Tương tự như mụn bọc, mụn u nang cũng là loại mụn viêm, là bước phát triển thứ 5, cao hơn của mụn mủ/ mụn viêm vàng, và cũng là tình trạng bệnh da rất nghiêm trọng không khác gì mụn bọc. Khi này tình trạng viêm nhiễm cũng đã ăn sâu vào bên trong da, nên mụn u nang sau khi điều trị lấy nhân mụn thì khả năng để lại sẹo lõm cũng rất cao.
-Cách nhận biết mụn u nang đó là: Mụn u nang cũng có nhân chìm rất sâu dưới bề mặt da tương tự như mụn bọc, và từ ngoài nhìn vào cũng sưng to và thường có kích thước to. Điểm khác biệt của mụn u nang so với mụn bọc là: Mụn u nang thường có màu da (giống màu các vùng da xung quanh) hoặc cũng có khi ửng đỏ hơn. Mụn u nang thường nhìn không thấy "đầu mụn" rõ ràng như các loại mụn đầu trắng, mụn mủ v.v... mà nhìn giống như một khối u sưng trên da. Và trái ngược với mụn bọc (khi sờ vào thấy mềm, có bọc mủ), mụn u nang khi sờ vào lại thấy cứng như một khối u, và cũng gây cảm giác đau nhức khó chịu. 

CƠ CHẾ HÌNH THÀNH:
-Tương tự mụn bọc, mụn u nang là do các tình trạng mụn trước đó (mụn viêm đỏ & viêm vàng/ mụn mủ) không được điều trị kịp thời, dẫn đến vi khuẩn lan rộng khiến cho vùng viêm nhiễm ăn sâu vào trong da, hình thành các u nang viêm nhiễm sưng to và hơi cứng.

LƯU Ý CHĂM SÓC DA:  Ngoài việc chữa trị bằng mỹ phẩm ngoài da, bạn có thể cần uống thuốc điều trị.


7.MỤN ẨN

LÀ GÌ ?
- Trong tiếng Nhật còn gọi là "Mụn Không Nhân", vì là loại mụn Không Nhìn Thấy Nhân Mụn. Châu xếp loại này sau tất cả các loại mụn trên , vì nó là một loại mụn với cơ chế hình thành khá đặc biệt, không giống các loại mụn trên.
-Biểu hiện của mụn ẩn là: mụn chìm bên trong da, nhân vào không đau nhức, nhưng khi sờ cảm thấy da sần sùi ram rám, không láng mịn, thường nổi thành mảng.

-Rất nhiều bạn ở Việt Nam khi nhờ Dr.C Lab tư vấn da đã nhầm lẫn giữa Mụn ẩn và Mụn viêm đỏ (bước phát triển thứ 3 của mụn đã kể trên). Điều này rất nguy hiểm, vì cơ chế hình thành và cách chữa trị 2 loại mụn này hoàn toàn không hề giống nhau. Trong khi Mụn ẩn có thể nói là khá lành tính (không phát triển thêm mà có khi tự lặn), thì Mụn viêm đỏ có khả năng phát triển nhanh thành mụn mủ, mụn bọc, mụn u nang, và để lại các hậu quả như thâm mụn, sẹo mụn.

CƠ CHẾ HÌNH THÀNH:
Hơn cả các tác động từ bên ngoài, Chế Độ Ăn Uống & Sinh Hoạt cùng Các Vấn Đề Từ Bên Trong Cơ Thể mới là tác nhân chủ yếu gây ra Mụn Ẩn.
-Ví dụ về chế độ ăn uống - sinh hoạt như: hay stress, căng thẳng, mất ngủ, ăn uống thiếu chất…
-Ví dụ về các vấn đề bên trong cơ thể như: có vấn đề về gan, máu thanh lọc không tốt, máu xấu đưa các chất dơ/thải đi khắp cơ thể, và sẽ biểu hiện ra dưới dạng mụn chìm…

LƯU Ý CHĂM SÓC DA:  Chính vì vậy, loại mụn này để cải thiện thì ngoài các chăm sóc từ bên ngoài da, còn phải kết hợp với các chăm sóc để cải thiện “bộ máy bên trong cơ thể”.


8.MỤN CÁM

LÀ GÌ ?
-Là loại mụn không viêm, nên có thể xử lý tại gia được. Nói cho chính xác thì "Mụn Cám" là cách gọi ở Việt Nam, còn trong ngành chăm sóc da ở Nhật thì không gọi đây là MỤN mà chỉ gọi là Tình trạng NGHẸT LỖ CHÂN LÔNG mà thôi (tức, chỉ là bước rất sơ khởi của mụn, chứ chưa là mụn, chưa có Nhân Mụn) . Mụn cám thường xuất hiện số đông, màu trắng nhỏ li ti, lấm tấm như cám, nên có tên là mụn cám.
-Vùng da bị mụn cám thường không có biểu hiện đổi màu hay sưng tấy, nhưng sờ sần sùi, không láng mịn và rin rít da, gây mất thẩm mỹ. Các vùng da dễ xuất hiện nhất là mũi, cằm…

CƠ CHẾ HÌNH THÀNH:
-Hẳn rất nhiều người khi nặn mụn cám nghĩ rằng mụn cám cũng là dầu nhờn của da tích tụ mà thành. Tuy nhiên, đây là một sai lầm lớn, vì 70% thành phần của mụn cám chính là… da chết tích tụ lại.

LƯU Ý CHĂM SÓC DA: Mụn cám có thể nặn được, tuy nhiên da chết có thể tích tụ lại bất cứ lúc nào. Do đó lời khuyên tốt nhất dành cho các bạn đó là chúng ta hãy tích cực tẩy da chết. Khi thấy có sự xuất hiện của mụn cám thì nên nặn mụn cám đi, tránh tình trạng nhân mụn hình thành, gây là Mụn thật sự.


9. MỤN THỊT

LÀ GÌ ?
-Mụn thịt là những nốt nhỏ li ti có hình hạt gạo, màu trắng, thường xuất hiện quanh vùng mắt, dưới mi, trên gò má... Nhân mụn thịt thường chìm sâu dưới da nên chúng ta không thể tự nặn ra được như nặn mụn đầu trắng hay mụn đầu đen. Thêm vào đó, mụn thịt lại thường xuất hiện ở những vùng da rất nhạy cảm như gần quanh mắt khiến việc nặn lấy nhân mụn vô cùng khó khăn.

CƠ CHẾ HÌNH THÀNH:
-Mụn thịt về bản chất là các u tuyến mồ hôi. Mụn thịt xuất hiện là do sự tích tụ của các bã nhờn, các bã nhờn này đã tạo nên khối u nhỏ li ti nổi phồng trên bề mặt da.  


P/S: MỤN TRỨNG CÁ

LÀ GÌ ?
Mụn Trứng Cá không phải một loại mụn nào khác so với các loại mụn trên, mà thực chất đó là trên gọi trong tiếng Việt, dùng để ám chỉ các loại mụn sinh ra do vi khuẩn gây mụn (vi khuẩn P. Acne). Do đó, Mụn Trứng Cá là từ dùng để ám chỉ các loại mụn từ số 1 đến số 6 kể trên (1/ Mụn đầu trắng, 2/ Mụn đầu đen, 3/ Mụn viêm đỏ (mụn sần), 4/ Mụn viêm vàng (mụn mủ), 5/ Mụn bọc, 6/ Mụn u nang)). "Mụn Trứng Cá" cũng được gọi văn tắt là "Mụn".


Sau khi check các triệu chứng trên, bạn đã xác định được mình bị loại mụn gì chưa? Giờ là lúc các bạn xem LOẠT BÀI VIẾT VỀ CÁCH TRỊ MỤN này, để có giải pháp thích hợp cải thiện đúng loại mụn của mình nhé. Hãy tích cực & kiên trì chăm sóc một cách khoa học, để có làn da lành mụn & khỏe đẹp. Chúc bạn ngày càng xinh!

 

-by Dr. Chau Japan USA

 

CHIA SẺ BÀI VIẾT NÀY