Có Nên Dùng Mỹ Phẩm Chứa Parabens? Parabens Là Gì, Thực Sự Có Hại Không?
CHIA SẺ BÀI VIẾT NÀYNội dung này được viết hoặc đã qua thẩm định bởi chuyên gia khoa học, và đăng tải độc quyền tại Mỹ Phẩm Hữu Cơ DR.HC ORGANICS. Vi phạm bản quyền sẽ bị xử lý theo pháp luật.
VỀ TÁC GIẢ
Dr. Chau là tiến sĩ khoa học, chuyên gia nghiên cứu mỹ phẩm, nhà giáo dục & viết sách tại Nhật & Mỹ. Cô trải qua hơn 20 năm sinh sống và hiện đang làm công việc nghiên cứu phát minh mỹ phẩm mới cho các tập đoàn hàng đầu tại nội địa Nhật Bản & Hoa Kỳ. Với niềm đam mê dành cho mỹ phẩm, Dr. Chau mong muốn truyền đạt những kiến thức mỹ phẩm đúng đắn và khoa học đến với cộng đồng, và chia sẻ bí quyết trở thành người tiêu dùng thông thái cho phụ nữ khắp nơi trên thế giới.
Đăng kí email tại đây để Dr. Chau gửi cho bạn các bài viết mới nhất!
Tin tức về việc thu hồi hơn 2000 loại mỹ phẩm chứa Parabens có nguy cơ gây hại cho sức khỏe (31/7/2015) khiến PARABENS thành từ khóa gây xôn xao nhất gần đây. Mà trong danh sách sản phẩm bị thu hồi này có cả những sản phẩm của các thương hiệu đình đám hoặc rất phổ biến khắp Âu-Mỹ-Á như: Lancôme, Vichy, L'oreal, NYX, Christian Dior, Olay, Kose, Paula's Choice, Missha, The Face Shop… Bài viết rất dài và chi tiết này chúng ta sẽ cùng thảo luận về các vấn đề:
- Parabens là gì?
- Vì sao Parabens bị cấm, Parabens có thực sự nguy hiểm với sức khỏe không?
- Vì sao có thông tin rằng sử dụng Parabens là vô hại?
- Có nên tiếp tục dùng mỹ phẩm chứa Parabens?
- Báo Tuổi Trẻ: "Chạy đua thu hồi mỹ phẩm chứa paraben"
- Báo Người Lao Động: "Vất vả thu hồi mỹ phẩm chứa paraben"
1.PARABENS LÀ GÌ ? VÌ SAO MỸ PHẨM LẠI DÙNG PARABENS?
Parabens là tên gọi chung của một nhóm chất bảo quản, được sử dụng vô cùng phổ biến trong ngành công nghiệp mỹ phẩm, dược phẩm và cả thực phẩm trên thế giới. Trong mỹ phẩm, Parabens được sử dụng trong nhiều chủng loại sản phẩm đa dạng, từ dưỡng da, trang điểm, chăm sóc cá nhân, đến các sản phẩm cho trẻ em…, có thể nói chất bảo quản parabens có thể xuất hiện trong mọi chủng loại sản phẩm. Về mặt cấu tạo hóa học, Parabens là các esters của parahydroxybenzoic acid (còn viết là p-hydroxybenzoic acid). Trong tự nhiên, p-hydroxybenzoic acid và các dẫn xuất của nó cũng tồn tại trong một số loại thực vật như dâu, đào, cà rốt, hành tây, vanilla…, do đó có thông tin cho là Parabens là "thành phần thiên nhiên". Tuy nhiên, trên thực tế, tất cả Parabens dùng trong mỹ phẩm là các hóa chất được tạo ra bằng phản ứng hóa học (phản ứng ester hóa p-hydroxybenzoic acid).
Trong nhóm chất bảo quản Parabens, các loại phổ biến nhất được dùng trong mỹ phẩm là: methylparaben, ethylparaben, propylparaben và butylparaben. Các loại khác ít dùng hơn như là: isopropylparaben, isobutylparaben, pentylparaben, phenylparaben, benzylparaben, và các muối Natri của nó (Sodium salts).
Vì sao mỹ phẩm cần dùng chất bảo quản? Hầu hết mỹ phẩm thông thường lưu hành trên thị trường đều cần chất bảo quản, ngoại trừ một số rất rất ít các loại có cấu tạo công thức đặc biệt. Chính vì thế, có thể nói chất bảo quản là thành phần thiết yếu trong mỹ phẩm, đặc biệt là các sản phẩm có nhiều thành phần nước, vì đó là môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn và nấm men phát triển. Cần có chất bảo quản để sát khuẩn và hạn chế sự phát triển của vi sinh vật, giúp sản phẩm không bị hư hỏng / biến chất trong thời gian dài khoảng vài ba năm khi sản phẩm lưu thông trên thị trường, đồng thời cũng là để bảo vệ sự an toàn cho người tiêu dùng.
Vì sao các nhà sản xuất lại ưu ái chọn Parabens đến như vậy? Dù chất bảo quản cũng có nhiều loại, tự nhiên có, hóa chất tổng hợp có…, nhưng Parabens vẫn được chiếm ưu thế trong các chất bảo quản vì 3 nguyên nhân chính:
- Hiệu quả cao: sự phối hợp nhiều gốc parabens bảo vệ được sản phẩm khỏi nhiều chủng loại vi sinh vật đa dạng.
- Dễ sử dụng: Parabens có thể sử dụng trong môi trường pH rộng từ 4 đến 8, nghĩa là có thể dùng cho hầu hết tất cả các chủng loại mỹ phẩm, quá tiện lợi để sử dụng. Parabens còn có tính bền và chịu nhiệt tốt.
- Và đặc biệt quan trọng là: Giá thành thấp!
Từ 3 điều trên, so với các loại chất bảo quản khác (có giới hạn về phạm vi vi sinh vật, môi trường pH hẹp, giá cả đắt…), parabens chắc chắn là ứng cử viên sáng giá. Sự thật là, trong giới làm nghiên cứu mỹ phẩm ở Nhật, chắc chắn không ai xa lạ với chuyện cứ có projects mới mà sản phẩm chấp nhận sử dụng parabens thì ôi thôi, đơn giản hơn bao nhiêu để tiến hành, thao tác dễ, mà giá thành sản phẩm lại giảm, dễ dàng đáp ứng nhu cầu đối tác…
2. VÌ SAO PARABENS BỊ CẤM? PARABENS CÓ THỰC SỰ GÂY HẠI ĐỐI VỚI SỨC KHỎE?
A. BỐI CẢNH DẪN ĐẾN VIỆC PARABENS BỊ CẤM.
-Phải nói cho chính xác là MỘT SỐ DẪN XUẤT PARABENS BỊ CẤM. Trong các loại đã định nghĩa về Parabens ở phần 1 nêu trên, 5 loại đã bị Cục Quản lý Dược cấm sử dụng trong mỹ phẩm từ 31/7/2015 là: isopropylparaben, isobutylparaben, pentylparaben, phenylparaben, và benzylparaben.
-Lý do cấm sử dụng: những chất này ngoài việc được cho là có nguy cơ ảnh hưởng tới hệ nội tiết và gây dị ứng cho người sử dụng, còn có thể là mầm mống gây ra căn bệnh ung thư vú ở nữ giới và giảm thấp lượng tinh trùng ở nam giới.
-Vậy, bối cảnh dẫn đến động thái cấm sử dụng 5 loại dẫn xuất Parabens kể trên là như thế nào?
- Khởi nguồn là năm 2004, một nghiên cứu tại Anh (“Concentrations of Parabens in Human Breast Tumours” của Darbre) đã tìm ra rằng: có parabens trong các mô ung thư vú. Nghiên cứu này cũng chỉ ra paraben có khả năng làm gia tăng estrogen - một hormone gây nguy cơ ung thư vú, và giảm khả năng sinh sản ở nam giới. Vì vậy mà dấy lên làn sóng parabens có khả năng là mầm mống gây ung thư. Mặc dù chưa có khẳng định chắc chắn rằng parabens chính là nguyên nhân gây ung thư vú, nhưng nhiều nghiên cứu khác trên thế giới cũng đã chỉ ra sự liên quan của parabens đối với ung thư và sức khỏe con người.
- Thêm vào đó, trong một công báo hồi tháng 4/ 2014, Cộng đồng khoa học bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng tại Châu Âu (Scientific Committee on Consumer Safety –SCCS) cho biết: chưa có kết luận đảm bảo về tính an toàn đối với 5 chất Isopropylparaben, Isobutylparaben, Phenylparaben, Benzylparaben và Pentylparaben. Cộng thêm bối cảnh có các nghiên cứu bất lợi về parabens khi đó, cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro, Ủy ban mỹ phẩm Cộng đồng Châu Âu từ 18/9/2014 đã quyết định cập nhật 5 chất này vào danh mục các chất cấm dùng trong mỹ phẩm.
- Sau đó, khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam chúng ta, cũng “rục rịch” theo khuynh hướng chung. Nhằm tránh những nguy hại có thể xảy ra cho người tiêu dùng, một lộ trình chung đã được thực hiện: từ 31/7/2015, những loại mỹ phẩm chứa 5 dẫn xuất parabens kể trên bị cấm lưu hành & sử dụng.
B. PARABENS CÓ THỰC SỰ GÂY HẠI ?
Vậy, có thực sự là Parabens có những nguy hại tiềm tàng như trên hay không?, mà một số loại dẫn xuất của nó, chính xác là 5 loại đề cập ở trên, đã bị cấm sử dụng?
-Parabens có khả năng gây dị ứng và một số vấn đề ngoài da khác . Điều này đã được khẳng định từ nghiên cứu năm 1977 “Paraben Allergy” của Nagel JE và các đồng sự (xem nghiên cứu tại Link này). Không có gì để tranh cãi về sự thật hiển nhiên này, khi Parabens cũng được xếp vào Danh sách 103 chất đáng lưu ý và buộc phải ghi rõ trên bảng thành phần, theo quy định từ năm 1980 của Koseirodosho 厚生労働省 (Cục quản lý cấp quốc gia về các vấn đề sức khỏe, phúc lợi và vệ sinh cộng đồng của Nhật Bản).
-Ngoài ra, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng methylparaben khi apply trên da có thể phản ứng với tia UVB trong ánh nắng mặt trời, làm tăng khả năng lão hóa da và làm tổn thương DNA. Ví dụ như nghiên cứu "Methylparaben potentiates UV-induced damage of skin keratinocytes" của khoa học gia người Nhật Handa Osamu và các cộng sự đăng trên tạp chí Toxicology. Hay nghiên cứu "Combined activation of methyl paraben by light irradiation and esterase metabolism toward oxidative DNA damage” của khoa học gia Okamoto Yoshinori.
-Mặt khác, một số nghiên cứu đã chỉ ra có sự liên quan nào đó giữa parabens và căn bệnh ung thứ vú. Như trên đã đề cập, một nghiên cứu tại Anh năm 2004 của Darbre đăng trên tạp chí khoa học Journal of Applied Toxicology đã phát hiện có parabens trong các khối ung thư vú. Nghiên cứu này cũng nói rằng parabens có các hoạt động giống như một loại hormone estrogen yếu, và đề cập đến những liên quan giữa estrogen này với căn bệnh ung thư vú. Tuy nhiên, nghiên cứu này vẫn còn chưa rõ một vài vấn đề, ví dụ như chưa đưa ra kết luận trực tiếp parabens chính là nguyên nhân gây ra ung thư, cũng không đề cập đến vấn đề có parabens trong các tế bào bình thường khỏe mạnh hay không… Các bạn có thể tham khảo thêm điều này từ trang web chính thức của FDA -Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ tại đây.
Ngoài ra, nghiên cứu khác là "Significance of the detection of esters of p-hydroxybenzoic acid (parabens) in human breast tumours" của Philip W. Harvey và David J. Everett trên cùng tạp chí, cũng nêu lên nguy cơ tiềm tàng về căn bệnh ung thư khi sử dụng parabens quá liều trong thời gian liên tục.
Có thể nói, đồng ý rằng các bằng chứng sơ bộ cho thấy có thể có sự liên quan giữa parabens có trong mỹ phẩm và căn bệnh ung thư vú, tuy nhiên nhiều nhà nghiên cứu ở khắp nơi như Philip W. Harvey và David J. Everett, hay Dr. Richard Sullivan ở Viện nghiên cứu ung thư UK khẳng định: cần có những nghiên cứu chuyên sâu hơn về tác động của parabens để khẳng định chắc chắn về vấn đề này. Link tham khảo từ Natural Ingredient Resource Center.
-Ngoài ra, Propylparaben được chỉ ra rằng có thể làm giảm khả năng sinh sản ở nam giới trong một nghiên cứu mang tên “Effects of propylparaben on the male reproductive system” của S. Oishi thuộc Viện nghiên cứu sức khỏe cộng đồng tại Tokyo. Hay một nghiên cứu khác trên cơ thể người về ảnh hưởng của parabens chỉ ra rằng, Butylparaben có thể gây giảm lượng và ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của tinh trùng (link bài nghiên cứu).
Những lý do trên nói lên vì sao hiện tại giới khoa học lên tiếng cảnh báo về Parabens, đang ra sức nghiên cứu sâu rộng hơn về vấn đề này cũng như tìm các hợp chất khác thay thế. Đây cũng là lý do vì sao ngày càng đông người tiêu dùng bắt đầu để ý và thận trọng hơn, hoặc đã không ít người quay mặt với Parabens.
3. VÌ SAO CÓ NGƯỜI CHO RẰNG VÔ HẠI KHI SỬ DỤNG PARABENS?
Mặc dù những điều kể trên, nếu tra cứu google các bạn vẫn sẽ tìm thấy một số các bài viết lên tiếng bảo vệ Parabens. Và đây là những căn cứ được nêu ra để ủng hộ việc sử dụng Parabens.
1.Lý do đầu tiên: “Ít ai biết rằng Parabens có nguồn gốc từ thiên nhiên”
Đây là lý do to đùng được đề cập rất nhiều trong các bài viết theo chủ nghĩa bênh vực parabens. 10 bài thì hết 9 bài nhắc đến lý do này.
ĐÚNG LÀ: Như định nghĩa ở về parabens, chúng ta đều biết parabens là các esters của p-hydroxybenzoic acid, và loại acid này có tồn tại ở một số loài thực vật trong giới tự nhiên, chính vì vậy mà người ta nói rằng parabens CÓ NGUỒN GỐC từ thiên nhiên.
TUY NHIÊN: Chỉ là “có nguồn gốc” mà thôi, nhưng cách nói không rõ ràng này dễ làm người bình thường hiểu lầm rằng: parabens có trong mỹ phẩm mà chúng ta đang sử dụng là lấy trực tiếp từ tự nhiên, giống như chiết xuất này chiết xuất nọ (chiết xuất trà xanh, chiết xuất rosehip v.v…) mà các bạn thường hay nghe vậy. Nhưng, SỰ THẬT LÀ: TẤT CẢ PARABENS ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG CÁC NGÀNH CÔNG NGHIỆP ĐỀU LÀ CHẤT TỔNG HỢP HÓA HỌC. Dùng p-hydroxybenzoic acid cho phản ứng với rượu (phản ứng ester hóa) để tổng hợp ra parabens. Và nguyên liệu p-hydroxybenzoic acid được dùng ở đây cũng không phải là lấy từ thiên nhiên, mà được sản xuất công nghiệp bằng phản ứng Kolbe-Schmitt của potassium phenoxide và carbon dioxide. Nói cho gọn là: parabens dùng trong mỹ phẩm là kết quả của một quy trình hoàn toàn hóa học. Lấy ví dụ gần hơn là ở phòng nghiên cứu mỹ phẩm của chúng tôi, tất cả mọi nguyên liệu sử dụng dùng làm mỹ phẩm đều được phân chia theo nhóm rất rõ ràng, và dĩ nhiên trong đó có một nhóm riêng là nhóm các chiết xuất thiên nhiên hoặc thành phần có nguồn gốc thiên nhiên – nhóm này thường được bảo quản ở phòng lạnh hoặc chỗ tối. Parabens thì dĩ nhiên không thuộc nhóm đó, và cũng chẳng ai gọi parabens là thành phần thiên nhiên bao giờ cả.
2.Vì “hàm lượng parabens chứa trong mỹ phẩm với tỉ lệ thấp hơn nhiều so với mức gây hại” và “Khả năng kích thích hormone estrogen gây ung thư của Parabens rất yếu”
ĐÚNG LÀ: -Tổ chức khảo sát sự an toàn của các thành phần mỹ phẩm tại Hoa Kỳ CIR (Cosmetic Ingredient Review) vao năm 1984 đã thẩm định vấn đề an toàn của methylparaben, propylparaben và butylparaben (3 loại dùng phổ biến), và kết luận 3 loại này an toàn khi dùng cho mỹ phẩm với hàm lượng dưới 25%. Và thông thường, trong mỹ phẩm, parabens thường được dùng chỉ trong phạm vi từ 0.01 ~ 0.3%, tức là thấp hơn khá nhiều so với “ngưỡng cấm” này. Năm 2003, CIR mở cuộc tiến hành khảo sát lần nữa, và cũng đã đưa ra kết quả tương tự. -Parabens có những hoạt động tương tự như estrogen kích thích gây ung thư vú ở nữ giới, nhưng khả năng này của parabens được MỘT SỐ nghiên cứu chứng minh là yếu hơn nhiều so với các estrogen tự nhiên trong cơ thể. Ví dụ như một nghiên cứu của Routledge et al. vào năm 1998 đăng trên tạp chí Toxicology and Applied Pharmacology chỉ ra rằng, butylparaben có tính chất này yếu hơn khoảng 10,000 lần so với estradiol – một loại estrogen tự nhiên trong cơ thể. Chính vì những điều trên, mà Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) TIN RẰNG, Ở THỜI ĐIỂM HIỆN TẠI, người tiêu dùng không cần lo lắng về việc mỹ phẩm chứa parabens. Toàn bộ những này được nêu rõ trên trang web của FDA về vấn đề parabens (có thể tham khảo tại link này) . Thông tin này thực sự là đáng mừng!
TUY NHIÊN: (Vẫn có cái sự “tuy nhiên” ở đây !) - Chính FDA trong phần kết luận của mình ở link trên cũng đã nêu rõ: Điều họ TIN ở trên (nguyên văn tiếng Anh là “believes that…”, chứ CHƯA PHẢI KHẲNG ĐỊNH CHẮC CHẮN 100%) chỉ là Ở THỜI ĐIỂM HIỆN TẠI. Tương lai gần hay xa có thể khác, họ có thể thay đổi quan điểm, không ai biết được khoa học sẽ phát triển thêm nhanh chóng đến mức độ nào để có thể đưa ra câu trả lời chắc chắn cho vấn đề này. Có MỘT SỐ nghiên cứu chỉ ra parabens không gây hại đến mức như thế, nhưng ai biết được sẽ lại có một số những nghiên cứu khác chỉ ra parabens nguy hại hơn nhiều ?! Và cách nói “believes that…” cũng tương tự như “…to omou と思う” trong tiếng Nhật vậy, bạn thử tra nghĩa trong từ điển tiếng Anh mà xem, dùng khi diễn tả một điều gì đó mình tin tưởng là đúng nhưng KHÔNG CÓ CHỨNG CỨ CHẮC CHẮN (và dĩ nhiên, điều đó vẫn có thể sai). -Chính vì vậy, cũng ở link trên, mặc dù cho rằng đến thời điểm hiện tại parabens ổn khi dùng trong mỹ phẩm (liên quan đến vấn đề gây ung thư) , FDA vẫn nêu rõ : “Tuy nhiên SẼ TIẾP TỤC ĐÁNH GIÁ những dữ liệu thu thập mới về vấn đề này. Nếu nhận thấy parabens có nguy cơ gây hại cho sức khỏe, FDA sẽ khuyến cáo các ngành công nghiệp và người tiêu dùng…”.
Bạn cảm nhận như thế nào? Theo tôi, nếu trang web hay blog nào chỉ nêu những điều tôi đã viết trên ở phần “ĐÚNG LÀ” mà không đề cập gì đến phần “TUY NHIÊN” cho đầy đủ quan điểm của FDA, rồi nói chắc như đinh đóng cột rằng FDA NHẤN MẠNH hay KHẲNG ĐỊNH parabens hoàn toàn an toàn (riêng về vấn đề gây ung thư thôi nhé, các vấn đề như dị ứng, gây lão hóa da…thì không bàn đến nữa), thì là đã KẾT LUẬN QUÁ VỘI VÀNG rồi. Tôi thấy cách viết của FDA vô cùng hay và đúng chất khoa học, chẳng hề mâu thuẫn! Có chăng là do người đọc tự cảm nhận chưa đúng mà thôi. Chưa thực sự có hồi kết cho parabens.
3.Vì "parabens bị phân hủy hay chuyển đổi thành dạng khác khi đi qua da nên sẽ không còn tính kích thích hormone estrogen nữa”
ĐÚNG LÀ: Một nghiên cứu có tên “Hydrolysis of parabens by extracts from differing layers of human skin” của C. Lobermeier và các cộng sự đăng trên tạp chí Biol.Chem cho rằng, một loại enzyme phân hủy các hợp chất esters tồn tại trong các tế bào keratinocytes của da có khả năng phân hủy parabens (vì các parabens cũng là esters) trước khi nó đi qua da và vào trong cơ thể.
TUY NHIÊN: cũng giống như nghiên cứu năm 2004 của Darbre (khởi nguồn của những tranh cãi xôn xao về parabens) mà thôi, bạn có nghĩ như thế không. Đây cũng chỉ là một nghiên cứu lẻ loi trong vô vàn nghiên cứu mà “kẻ chống đối, người ủng hộ” parabens. Vậy Darbre đúng, hay C. Lobermeier đúng ?! Câu trả lời là: chúng ta chưa thực sự có câu trả lời. Người khinh suất thì sẽ lấy căn cứ của C. Lobermeier làm điểm tựa, kẻ thận trọng thì sẽ dựa vào Darbre và bắt đầu phòng thủ cho sức khỏe.
4. Vì “Cho đến nay Cộng đồng khoa học bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng tại Châu Âu và Asean CHƯA NHẬN ĐƯỢC BẰNG CHỨNG NÀO về việc các sản phẩm có chứa 05 dẫn chất parabens: isopropylparaben, isobutylparaben, pentylparaben, phenylparaben, và benzylparaben với hàm lượng đúng quy định LÀ KHÔNG AN TOÀN cho người sử dụng”.
ĐÚNG LÀ: Điều trên cũng được Cục quản lý Dược phẩm- Bộ y tế Việt Nam nêu rõ trong một công báo ngày 21/5/2015 (trước thời điểm cấm sử dụng là 31/7/2015).
TUY NHIÊN: Vậy thì sao??? Một số trang đưa ra điều này làm lý do để bảo vệ parabens, và thật lòng tôi chỉ thắc mắc, không biết họ đưa lý do này vào để làm gì. Chưa nhận được bằng chứng về việc không an toàn = (tức là) đủ an toàn để dùng? - Đây là một suy nghĩ nguy hiểm. Khoa học nghĩ khác! Bằng chứng là, cho đến tháng 5/2015 dù chưa nhận được bằng chứng nào về cái sự không an toàn, nhưng các chất trên vẫn bị cấm sử dụng vào tháng 7/2015 đó thôi ! Sự “chưa nhận đủ bằng chứng” ở đây không có ý nghĩa gì cả. Vì sao vậy?
Bạn hãy thử nghĩ ngược lại. Có 2 cách xử lý trong trường hợp này: 1/ Vì chưa có được bằng chứng là nó xấu nên vẫn sẽ dùng 2/ Hay: Vì chưa có được bằng chứng là nó an toàn nên sẽ ngừng sử dụng. Và cách làm của khoa học chính là cách thứ hai ! Vì CHƯA CÓ KẾT LUẬN ĐẢM BẢO VỀ TÍNH AN TOÀN NÊN ĐÃ NGỪNG SỬ DỤNG đối với 5 chất trên. Cộng đồng khoa học bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng tại Châu Âu (SCCS) đã cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro khi dùng chúng, và đã quyết định cập nhật 5 chất này vào danh mục các chất cấm dùng trong mỹ phẩm từ 18/9/2014.
5. Vì “các tổ chức sức khỏe thế giới như FDA hay American Cancer Society (Hiệp hội nghiên cứu ung thư Mỹ) đã lên tiếng rằng không có chứng cứ nào chứng minh parabens là nguyên nhân trực tiếp gây ra ung thư vú ở phụ nữ”…
ĐÚNG LÀ: Nói như trên có phần đúng. TUY NHIÊN: Thiếu.
Các tổ chức sức khỏe thế giới bao gồm cả FDA hay American Cancer Society đều nêu trên trang web của mình rằng HIỆN TẠI, KHÔNG CÓ BẰNG CHỨNG RÕ RÀNG về hiểm họa ung thư từ parabens trong mỹ phẩm hay thực phẩm.
-Như đã phân tích rất rõ ở mục 2 phía trên, những phát biểu trên chỉ là cho THỜI ĐIỂM HIỆN TẠI. Và phải nói cho đầy đủ là, không phải là “không có bằng chứng”, mà là “không có bằng chứng RÕ RÀNG” (tức là vẫn có những chứng cứ nhất định nào đó về mối nguy hại này). Nếu trang web hay blog nào đưa ra những dẫn chứng về các tổ chức sức khỏe uy tín này mà lại lược bỏ đi những từ RẤT QUAN TRỌNG kia, thì chẳng phải là quá thiếu sót ?!
-Ngoài ra, FDA tuyên bố SẼ TIẾP TỤC TÌM HIỂU ĐÁNH GIÁ, American Cancer Society vẫn khuyên những người thấy nghi ngại về parabens HÃY TRÁNH CÁC SẢN PHẨM CHỨA PARABENS.
Bạn thấy đó, nếu parabens đã đủ an toàn tuyệt đối, chắc chắn cách phát biểu của các tổ chức này sẽ khác, nói thẳng là: sẽ không phát biểu “nước đôi” như vậy. Những điều này có thể đọc trực tiếp nguyên văn các bài viết bằng tiếng Anh trên website chính thức của FDA tại đây hoặc American Cancer Society tại đây nhé.
6. Cho rằng “mỹ phẩm không có chất bảo quản mới là nguy hiểm, và các sản phẩm Parapens-free chỉ là đánh đòn tâm lý vào người tiêu dùng không hiểu vấn đề”.
ĐÚNG LÀ: Mỹ phẩm không có chất bảo quản quả là có mối nguy hiểm, nếu như lên nấm mốc hay nhiễm khuẩn thì có thể gây các vấn đề rắc rối cho da.
TUY NHIÊN: Không đúng ở chỗ: -Không hẳn mỹ phẩm nào cũng phải sử dụng chất bảo quản, vì tùy theo công thức mà một số loại có khả năng tự kháng khuẩn. -Ngoài ra, nếu phải sử dụng chất bảo quản, thì có thể thay thế parabens bằng các chất bảo quản khác, chứ không nhất thiết phải dùng parabens. Chất bảo quản thiên nhiên dĩ nhiên là tối ưu, nhưng giá thành rất đắt nên có thể không thích hợp cho sản xuất công nghiệp đại trà. Nhưng có thể dùng các chất bảo quản tổng hợp khác ít có mối lo ngại hơn. -Chính American Cancer Society còn khuyên những người thấy nghi ngại về parabens HÃY TRÁNH CÁC SẢN PHẨM CHỨA PARABENS ngay trên website chính thức của họ ! Vì vậy, việc nói sản phẩm parabens-free chỉ là để “đánh đòn tâm lý vào người tiêu dùng không hiểu vấn đề” thì chẳng phải là cách nhìn chủ quan có phần sai lệch ?!
7.Khẳng định “vì dùng parabens (các loại không bị cấm) VỚI LIỀU LƯỢNG TRONG QUY ĐỊNH CHO PHÉP là vô hại, nên không cần phải lo lắng”
ĐÚNG LÀ: ở chỗ, HIỆN NAY, khoa học không có những dữ liệu "xấu đến mức phải cấm” các loại parabens khác như methy-, ethyl-, propyl- hay butylparaben.
TUY NHIÊN: Cũng chưa có bằng chứng gì chứng minh được rằng: -Liệu khi các chất nhóm parabens kết hợp với các chất khác trong mỹ phẩm sẽ không tạo ra kết quả xấu ? -Hay là: Dùng mỹ phẩm chứa parabens (dù trong hàm lượng cho phép) trong một thời gian dài sẽ như thế nào? Có sự tích lũy parabens sau khi sử dụng mỹ phẩm chứa parabens trên da không?, và sự tích lũy này có đáng lo ngại không ?... Những câu hỏi này chưa có lời giải đáp ! Vì vậy, không thể khẳng định là chỉ cần dùng đúng liều là vô hại. Đồng quan điểm này, PGS.TS Lê Văn Truyền - chuyên gia cao cấp về dược, nguyên thứ trưởng Bộ Y tế - đã có ý kiến nghi ngại paraben là một trong những thủ phạm gây ung thư vú ở phụ nữ và cho rằng sự tích lũy parabens là đáng lo ngại trong một phát biểu trên báo Tuổi Trẻ hồi tháng 08/2015.
Trên là các lý do phổ biến mà một số ít người cho rằng: hãy yên tâm khi dùng mỹ phẩm có chứa parabens. Chẳng phải VẪN CÒN SỚM & PHIẾN DIỆN khi vội kết luận rằng : “Ồ, parabens có bị quốc tế lên án đâu”, “Bạn không cần lo lắng” hay nhấn mạnh “Parabens hoàn toàn an toàn khi sử dụng trong mỹ phẩm” … hay sao. Dù rằng chưa thể khẳng định chắc chắn tác hại của parabens (cả những loại bị cấm và chưa bị cấm) trong mỹ phẩm đối với ung thư, nhưng tôi tin rằng, quyết định ngừng lưu hành các mỹ phẩm chứa 5 loại parabens của Cộng đồng châu Âu và sau này của các nước ASEAN chính là một trong nhiều động thái tích cực nhằm muốn bảo vệ sức khỏe của người dân trong khu vực.
4. CÓ NÊN DÙNG MỸ PHẨM CHỨA PARABENS?
Trước tiên ,phải hiểu một cách khách quan là: Hiện tại, (sau 31/7/2015) chỉ có 5 dẫn xuất parabens bị cấm (Isopropylparaben, Isobutylparaben, Phenylparaben, Benzylparaben và Pentylparaben), chứ không phải tất cả. Báo đài thường dùng chung chung cụm từ là “Parabens bị cấm sử dụng…” , nên nếu không tìm hiểu kĩ vấn đề, bạn có thể “quơ đũa cả nắm” cho tất cả các dẫn xuất parabens. Các dẫn xuất phổ biến còn lại (methyl-, ethyl-, propyl- và butylparaben) chưa bị cấm sử dụng nếu dùng trong nồng độ cho phép.
Vậy, vấn đề là: với các loại chưa bị cấm chính thức, có nên tiếp tục dùng hay không ???
Nếu bạn đã hiểu những gì tôi phân tích ở trên, sẽ tự rút ra được kết luận cuối cùng, đó là: Parabens vẫn chưa có hồi kết. Và quyết định “Có nên dùng mỹ phẩm chứa Parabens (các loại mà không bị cấm) ” hay không, cũng HOÀN TOÀN PHỤ THUỘC VÀO VIỆC BẠN CẨN TRỌNG ĐẾN THẾ NÀO ĐẾN VẤN ĐỀ SỨC KHỎE CỦA MÌNH. Vì chưa có nhiều báo cáo và kết luận chính xác nên bạn vẫn sẽ cứ dùng ? , hay vì sức khỏe mà bạn sẽ chọn con đường “tốt nhất là nên phòng tránh” vì đã có nhiều chứng cứ khoa học nói lên tầm nguy hiểm của nó?
ĐÂY LÀ LỜI KHUYÊN DÀNH CHO BẠN:
1/ NẾU BẠN THEO TRƯỜNG PHÁI BẢO VỆ PARABENS:
Chắc chắn bạn sẽ cho rằng trong lúc chờ đợi bằng chứng cụ thể và chắc chắn hơn của khoa học thì chẳng có lý do gì để phải tẩy chay parabens cả. Sẽ rất buồn phải khi nói lời chia tay với rất nhiều loại mỹ phẩm trên thị trường, cả các thương hiệu danh giá. Bạn đã nghĩ vậy, vậy thì cứ tiếp tục dùng thôi, tới đâu sẽ hay tới đó.
Và hãy nên chuẩn bị sẵn tâm lý là: sau này nếu lại có nghiên cứu nào mới chỉ ra thêm tác hại của parabens, hay công báo/chỉ thị gì mới về việc không nên sử dụng parabens (các loại chưa bị cấm bây giờ) nữa, thì bản thân cũng đừng rơi vào trạng thái rối tung và hoang mang nhé ! Tôi đã cảnh báo trước: Khoa học luôn phát triển nhưng rất cần thời gian, đôi khi hàng chục năm để minh chứng cho một vấn đề vẫn là quá ít.
2/ NẾU BẠN THEO TRƯỜNG PHÁI “PHÒNG BỆNH HƠN CHỮA BỆNH”:
Vậy thì chắc chắn là bạn muốn đề phòng và hạn chế Parabens càng nhiều, càng sớm càng tốt rồi. Một số tóm tắt sau hy vọng sẽ hữu ích:
-Tự bạn phải bảo vệ chính mình! Người bán hàng đôi khi chỉ muốn bán hàng nhanh và không phải ai cũng có kiến thức thực sự đối với món hàng họ đang bán. Nếu nói về chuyện thành phần trên mỹ phẩm thì 100 người có lẽ đã 99 người không quan tâm (điều này cũng có đề cập đến trong một số phỏng vấn đăng trên báo Tuổi Trẻ hay các báo lớn…). Chính vì vậy, CHÍNH BẠN phải là người ý thức và chủ động xem kỹ thành phần và nguồn gốc sản phẩm.
-Ở thời điểm hiện tại, các dẫn xuất parabens (loại không bị cấm) vẫn xuất hiện rất phổ biến trong mỹ phẩm trên thị trường. Bạn có thể tránh các loại đó, bằng cách check bảng thành phần trên vỏ hộp. Cách check thì như đã hướng dẫn TẠI BÀI VIẾT NÀY (kèm ảnh minh họa)
-Nếu không thể tránh hoàn toàn, có thể hạn chế tối đa việc sử dụng cùng lúc quá nhiều các sản phẩm chứa parabens. Đặc biệt, không dùng hoặc hạn chế dùng các sản phẩm chứa parabens cho các vùng da nhạy cảm, dễ kích ứng…
-Không dùng hoặc hạn chế dùng hoặc các loại sản phẩm chứa parabens nhưng có thời gian lưu lại lâu trên da (ví dụ, sữa rửa mặt, tẩy trang apply lên da rồi rửa đi ngay, nhưng các loại sản phẩm dưỡng ngày-đêm như lotion, kem, v.v…thì lưu lại lâu trên da)
-Phụ nữ mang thai và cho con bú, em bé, người có cơ địa nhạy cảm… TUYỆT ĐỐI hãy tránh sử dụng sản phẩm có chứa parabens.
-Chú ý với Phenonip: Phenonip là tên thường gọi của loại chất bảo quản cấu thành từ phenoxylethanol + methylparaben + ethylparaben + propylparaben + butylparaben. Chính vì vậy, trên vỏ hộp mỹ phẩm bạn sẽ không tìm thấy dòng chữ “ ~ paraben” nào hết, mà thay vào đó chỉ thấy “phenonip”, dĩ nhiên cũng sẽ thường ở cuối bảng thành phần. Nếu không thận trọng sẽ không khác nào “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa” nhé.
Hãy chia sẻ bài viết để mọi người có cái nhìn toàn diện và đúng đắn hơn về Parabens nhé. Và quyết định cuối cùng có dùng hay không CHÍNH LÀ Ở BẠN. Chúc các bạn luôn Khỏe- Đẹp !
QUAN ĐIỂM CỦA DR.HC VỀ PARABENS
TẤT CẢ MỸ PHẨM DR.HC TUYỆT ĐỐI KHÔNG SỬ DỤNG PARABENS
Click ảnh hoặc LINK NÀY để shopping mỹ phẩm Organic không chứa Parabens
*Các nghiên cứu tham khảo:
- http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/576658
- http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/16938376
- http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/18656963
- http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/14745840
- http://www.naturalingredient.org/Articles/toni1.html
- http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/12419695
- http://www.environmentalhealthnews.org/ehs/newscience/parabens-in-products-linked-to-dna-damage-in-mens-sperm
-by Dr. Chau Japan USA
Bình luận
0 Bình luận
XEM CÁC BÀI KHÁC THEO CHỦ ĐỀ
BÍ QUYẾT CHỐNG LÃO HÓA - BÍ QUYẾT CHỐNG NẮNG - BÍ QUYẾT KIỀM NHỜN - BÍ QUYẾT RỬA MẶT - BÍ QUYẾT TRẮNG DA - BÍ QUYẾT TRỊ MỤN, THÂM, SẸO - CHĂM SÓC MẸ BẦU - CHĂM SÓC BABY - KIẾN THỨC LOẠI DA - KIẾN THỨC MỸ PHẨM - REVIEW MỸ PHẨM - CHĂM SÓC DA MẶT & MAKEUP - CHĂM SÓC TÓC & BODY - CHĂM SÓC SỨC KHỎE - THÀNH PHẦN MỸ PHẨM HIỆU QUẢ - THÀNH PHẦN MỸ PHẨM GÂY HẠI - TIN TỨC & TẢN MẠN