NỘI DUNG GIỎ HÀNG

Đóng

Cách Nhận Biết Mỹ Phẩm Chứa Parabens Khi Đọc Bảng Thành Phần Mỹ Phẩm (tiếng Anh & tiếng Nhật) (kèm ảnh minh họa)

CHIA SẺ BÀI VIẾT NÀY    



VỀ TÁC GIẢ

Dr. Chau là tiến sĩ khoa học, chuyên gia nghiên cứu mỹ phẩm, nhà giáo dục & viết sách tại Nhật & Mỹ. Cô trải qua hơn 20 năm sinh sống và hiện đang làm công việc nghiên cứu phát minh mỹ phẩm mới cho các tập đoàn hàng đầu tại nội địa Nhật Bản & Hoa Kỳ. Với niềm đam mê dành cho mỹ phẩm, Dr. Chau mong muốn truyền đạt những kiến thức mỹ phẩm đúng đắn và khoa học đến với cộng đồng, và chia sẻ bí quyết trở thành người tiêu dùng thông thái cho phụ nữ khắp nơi trên thế giới.

Đăng kí email tại đây để Dr. Chau gửi cho bạn các bài viết mới nhất!



PARABENS là từ khóa gây xôn xao nhất gần đây, khi “Thu hồi hơn 2000 loại mỹ phẩm chứa Parabens có nguy cơ gây hại cho sức khỏe” là chủ đề mà các báo lớn nhỏ ở Việt Nam đồng loạt đưa tin hồi 31/7/2015. Mà trong danh sách sản phẩm bị thu hồi này có cả những sản phẩm của các thương hiệu đình đám hoặc rất phổ biến khắp Âu-Mỹ-Á như: Lancôme, Vichy, L'oreal, NYX, Christian Dior, Olay, Kose, Paula's Choice, Missha, The Face Shop… Bài viết này giúp các bạn 1/Tìm hiểu sơ lược xem Parabens là gì, 2/ Tác hại của Parabens đối với làn da và sức khỏe, và quan trọng nhất là: 3/ Cách nhận biết mỹ phẩm nào có chứa Parabens bằng cách đọc bảng thành phần mỹ phẩm. (Ngoài ra, nếu bạn muốn tìm hiểu sâu hơn về Parabens, hãy đọc thêm bài phân tích chi tiết về Parabens này)


     

     

    1.PARABENS LÀ GÌ ? VÌ SAO MỸ PHẨM LẠI DÙNG PARABENS?

     

    Parabens là tên gọi chung của một nhóm chất bảo quản, được sử dụng vô cùng phổ biến trong ngành công nghiệp mỹ phẩm, dược phẩm và cả thực phẩm trên thế giới. Trong mỹ phẩm, Parabens được sử dụng trong nhiều chủng loại sản phẩm đa dạng, từ dưỡng da, trang điểm, chăm sóc cá nhân, đến các sản phẩm cho trẻ em…, có thể nói chất bảo quản parabens có thể xuất hiện trong mọi chủng loại sản phẩm. Về mặt cấu tạo hóa học, Parabens là các esters của parahydroxybenzoic acid (còn viết là p-hydroxybenzoic acid). Trong tự nhiên, p-hydroxybenzoic acid và các dẫn xuất của nó cũng tồn tại trong một số loại thực vật như  dâu, đào, cà rốt, hành tây, vanilla…, do đó có thông tin cho là Parabens là "thành phần thiên nhiên". Tuy nhiên, trên thực tế, tất cả Parabens dùng trong mỹ phẩm là các hóa chất được tạo ra bằng phản ứng hóa học (phản ứng ester hóa p-hydroxybenzoic acid).

    Trong nhóm chất bảo quản Parabens, các loại phổ biến nhất được dùng trong mỹ phẩm là: methylparaben, ethylparaben, propylparaben và butylparaben. Các loại khác ít dùng hơn như là: isopropylparaben, isobutylparaben, pentylparaben, phenylparaben, benzylparaben, và các muối Natri của nó (Sodium salts).

    Hầu hết mỹ phẩm thông thường lưu hành trên thị trường đều cần chất bảo quản, đặc biệt là các sản phẩm có nhiều thành phần nước, vì đó là môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn và nấm men phát triển. Việc dùng chất bảo quản giúp sản phẩm không bị hư hỏng / biến chất trong thời gian dài lưu thông trên thị trường, đồng thời cũng là để bảo vệ sự an toàn cho người tiêu dùng. Chất bảo quản cũng có nhiều loại, tự nhiên có, hóa chất tổng hợp có…, nhưng lý do các nhà sản xuất lại ưu ái chọn Parabens là vì:

    1. Hiệu quả cao: sự phối hợp nhiều gốc parabens bảo vệ được sản phẩm khỏi nhiều chủng loại vi sinh vật đa dạng.
    2. Dễ sử dụng: Parabens có thể sử dụng trong môi trường pH rộng từ 4 đến 8, nghĩa là có thể dùng cho hầu hết tất cả các chủng loại mỹ phẩm, quá tiện lợi để sử dụng. Parabens còn có tính bền và chịu nhiệt tốt.
    3. Và đặc biệt quan trọng là: Giá thành thấp! Điều này rất quan trọng với sản xuất đại trà. Sự thật là, với những người trong giới làm nghiên cứu mỹ phẩm như tôi, chắc chắn không ai xa lạ với chuyện có projects mới mà sản phẩm chấp nhận sử dụng parabens thì ôi thôi, đơn giản hơn bao nhiêu để tiến hành, thao tác dễ, công thức nghiên cứu dễ, mà giá thành sản phẩm lại giảm, dễ dàng đáp ứng nhu cầu đối tác…

     

    2. TÁC HẠI CỦA PARABENS ĐỐI VỚI SỨC KHỎE NGƯỜI TIÊU DÙNG?

    5 loại dẫn xuất Parabens đã bị Cục Quản lý Dược tại Việt Nam (cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới) cấm sử dụng trong mỹ phẩm từ 31/7/2015 là: isopropylparaben, isobutylparaben, pentylparaben, phenylparaben, và benzylparaben. 

    Các dẫn xuất Parabens bị cấm sử dụng trong mỹ phẩm vì những lý do sau:

    -Parabens có khả năng gây dị ứng và một số vấn đề ngoài da khác. Điều này đã được khẳng định từ nghiên cứu năm 1977 “Paraben Allergy” của Nagel JE và các đồng sự (*1). Không có gì để tranh cãi về sự thật hiển nhiên này, khi Parabens cũng được xếp vào Danh sách 103 chất đáng lưu ý và buộc phải ghi rõ trên bảng thành phần, theo quy định từ năm 1980 của Koseirodosho 厚生労働省 (Cục quản lý cấp quốc gia về các vấn đề sức khỏe, phúc lợi và vệ sinh cộng đồng của Nhật Bản).

    -Ngoài ra, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng methylparaben khi apply trên da có thể phản ứng với tia UVB trong ánh nắng mặt trời, làm tăng khả năng lão hóa da và làm tổn thương DNA. Ví dụ như nghiên cứu "Methylparaben potentiates UV-induced damage of skin keratinocytes" (*2) của khoa học gia người Nhật Handa Osamu và các cộng sự đăng trên tạp chí Toxicology. Hay nghiên cứu "Combined activation of methyl paraben by light irradiation and esterase metabolism toward oxidative DNA damage” (*3) của khoa học gia Okamoto Yoshinori.  

    -Mặt khác, một số nghiên cứu đã chỉ ra có sự liên quan nào đó giữa parabens và căn bệnh ung thứ vú. Một nghiên cứu tại Anh năm 2004 của Darbre đăng trên tạp chí khoa học Journal of Applied Toxicology đã phát hiện có parabens trong các khối ung thư vú. Nghiên cứu này cũng nói rằng parabens có các hoạt động giống như một loại hormone estrogen yếu, và đề cập đến những liên quan giữa estrogen này với căn bệnh ung thư vú. Tuy nhiên, nghiên cứu này vẫn còn chưa rõ một vài vấn đề, ví dụ như chưa đưa ra kết luận trực tiếp parabens chính là nguyên nhân gây ra ung thư, cũng không đề cập đến vấn đề có parabens trong các tế bào bình thường khỏe mạnh hay không… (tham khảo thêm điều này từ trang web chính thức của FDA -Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ tại đây.). Ngoài ra, nghiên cứu khác là "Significance of the detection of esters of p-hydroxybenzoic acid (parabens) in human breast tumours" (*4) của Philip W. Harvey và David J. Everett trên cùng tạp chí, cũng nêu lên nguy cơ tiềm tàng về căn bệnh ung thư khi sử dụng parabens quá liều trong thời gian liên tục. Có thể nói, đồng ý rằng các bằng chứng sơ bộ cho thấy có thể có sự liên quan giữa parabens có trong mỹ phẩm và căn bệnh ung thư vú, tuy nhiên nhiều nhà nghiên cứu ở khắp nơi như Philip W. Harvey và David J. Everett, hay Dr. Richard Sullivan ở Viện nghiên cứu ung thư UK khẳng định: cần có những nghiên cứu chuyên sâu hơn về tác động của parabens để khẳng định chắc chắn về vấn đề này. (*5 - Link tham khảo từ Natural Ingredient Resource Center).

    -Ngoài ra, Propylparaben được chỉ ra rằng có thể làm giảm khả năng sinh sản ở nam giới trong một nghiên cứu mang tên “Effects of propylparaben on the male reproductive system” (*6) của S. Oishi thuộc Viện nghiên cứu sức khỏe cộng đồng tại Tokyo. Hay một nghiên cứu khác trên cơ thể người về ảnh hưởng của parabens chỉ ra rằng, Butylparaben có thể gây giảm lượng và ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của tinh trùng (*7). 

    Những lý do trên nói lên vì sao hiện tại giới khoa học lên tiếng cảnh báo về Parabens, đang ra sức nghiên cứu sâu rộng hơn về vấn đề này cũng như tìm các hợp chất khác thay thế. Đây cũng là lý do vì sao ngày càng đông người tiêu dùng bắt đầu để ý và thận trọng hơn, cũng như đã quay mặt với Parabens. 

     

    3. CÁCH NHẬN BIẾT PARABENS BẰNG CÁCH ĐỌC BẢNG THÀNH PHẦN MỸ PHẨM

    Bạn có thể biết một lọ mỹ phẩm có chứa parabens hay không bằng cách check bảng thành phần trên bao bì sản phẩm. Parabens thường xuất hiện ở khoảng giữa hoặc gần cuối bảng, vì đây là chất bảo quản không thể dùng hàm lượng quá nhiều.

    Tên của các loại dẫn xuất parabens luôn có kèm từ " ~ paraben" (trong bảng thành phần tiếng Anh), hoặc " ~ パラベン" (trong bảng thành phần tiếng Nhật)

    Bảng bên dưới là các loại parabens phổ biến thường gặp nhất.

     


    CÁC LOẠI PARABENS ĐÃ BỊ CẤM DÙNG
    • isopropylparaben イソプロピルパラベン
    • isobutylparaben イソブチルパラベン
    • pentylparaben ペンチルパラベン
    • phenylparaben フェニルパラベン
    • benzylparaben ベンジルパラベン
    CÁC LOẠI PARABENS CHƯA BỊ CẤM NHƯNG CÓ BẰNG CHỨNG GÂY NGUY HIỂM CHO SỨC KHỎE
    • methylparaben, メチルパラベン
    • ethylparaben, エチルパラベン
    • propylparaben, プロピルパラベン
    • butylparaben, ブチルパラベン

    CHÚ Ý VỚI "PHENONIP" (PARABENS "NGỤY TRANG")

    Phenonip là tên gọi của loại chất bảo quản được cấu thành từ phenoxylethanol + methylparaben + ethylparaben + propylparaben + butylparaben. Chính vì vậy, trên vỏ hộp mỹ phẩm bạn sẽ không tìm thấy dòng chữ “ ~ paraben” nào hết, mà thay vào đó chỉ thấy “phenonip”, cũng thường đứng gần cuối bảng thành phần.

     

    Đây là một số hình ảnh minh họa về cách nhận biết parabens trên bảng thành phần mỹ phẩm:

    Trong lọ kem dưỡng này chứa methylparaben và propylparaben.

    Methylparaben, ethylparaben và propylparaben cũng xuất hiện trong kem chống nắng 

    Trong lọ sữa dưỡng cho trẻ em này có thành phần methylparaben, propylparaben và butylparaben

    Các sản phẩm trang điểm như hộp Face powder này cũng sử dụng methylparaben làm chất bảo quản

    Và hộp phấn kẻ chân mày này cũng có chứa methylparaben và propylparaben...


    QUAN ĐIỂM CỦA DR.HC VỀ PARABENS

    TẤT CẢ MỸ PHẨM DR.HC TUYỆT ĐỐI KHÔNG SỬ DỤNG PARABENS

     

    Click ảnh hoặc LINK NÀY để shopping mỹ phẩm Organic không chứa Parabens

     


    Nếu bạn muốn tìm hiểu sâu hơn về Parabens, hãy đọc thêm bài phân tích chi tiết về Parabens này. Hy vọng thông tin hữu ích cho các bạn trong việc nhận diện các thành phần mỹ phẩm mà bạn muốn tránh, cũng như tìm kiếm được sản phẩm phù hợp với làn da và sức khỏe. 

    *Các nghiên cứu tham khảo:

    1. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/576658
    2. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/16938376
    3. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/18656963
    4. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/14745840
    5. http://www.naturalingredient.org/Articles/toni1.html
    6. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/12419695
    7. http://www.environmentalhealthnews.org/ehs/newscience/parabens-in-products-linked-to-dna-damage-in-mens-sperm

    -by Dr. Chau Japan USA

    CHIA SẺ BÀI VIẾT NÀY